FPT Quy Nhơn

http://fptbinhdinh.org/

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

11 BÀI PHÁT BIỂU TRONG LỊCH SỬ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Tờ Time bình chọn 11 bài phát biểu của những nhà lãnh đạo đại tài trong hai thế kỷ 19 và 20 đã làm thay đổi thế giới.
bài phát biểu, thế kỷ 19, thế kỷ 20, thay đổi thế giới, nhà lãnh đạo
Tiến sĩ Martin Luther King với bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” ở thủ đô Washington ngày 28 tháng 8 năm 1963.
Sự giả dối của chế độ nô lệ
Tác giả: Frederick Douglass
Thời gian: ngày 04 tháng 7 năm 1852.
Vào ngày Quốc Khánh của nước Mỹ, Frederick Douglass đã có một bài phát biểu ngắn tố cáo xã hội nước Mỹ. Trong bài phát biểu, ông lên án việc làm thế nào mọi người lại có thể tự hào về sự tự do và ăn mừng vì quyền bình đẳng trong khi hàng triệu người ngoài kia vẫn phải sống trong kiếp nô lệ. Frederick Douglass thẳng thắn gọi mỗi người Mỹ mà đang vui mừng kia là những kẻ đạo đức giả và thậm chí mỉa mai cả ngày đánh dấu nền độc lập của quốc gia này.
Trích dẫn: “Đối với một nô lệ người Mỹ, ngày 4/7 là ngày gì?” Tôi trả lời: “Là ngày mà anh ta phát hiện ra rằng, anh ta sẽ mãi là một nạn nhân của sự bất công và tàn ác, rõ ràng hơn tất cả các ngày còn lại trong năm.”
Diễn văn Gettysburg
Tác giả: Tổng thống Abraham Lincoln
Thời gian: ngày 19 tháng 11 năm 1863
Bài diễn văn được Tổng thống Lincoln viết và phát biểu trong thời Nội chiến Mỹ, và trở thành một trong những bài diễn văn bằng tiếng Anh hay nhất trong suốt bề dày lịch sử nhân loại. Lincoln khẳng định cuộc Nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, sẽ mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thực sự. Bài diễn văn không đề cập đến chế độ nô lệ, các phe phái trong cuộc Nội chiến mà thay vào đó, ông nhấn mạnh định nghĩa của chính phủ Mỹ là “một chính phủ của dân, do dân và vì dân”.
Trích dẫn: “Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.”
Quyền bầu cử của nữ giới
Tác giả: Susan B. Anthony
Thời gian: Năm 1873
Bà Susan B. Anthony đã bị phạt vì tội đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 1872. Chính vì thế, bà đã đứng lên vận động đấu tranh cho quyền bầu cử của nữ giới. Bà cũng cho rằng sẽ không có hy vọng cho tiến bộ xã hội tại Mỹ chừng nào phụ nữ chưa được trao đầy đủ các quyền như nam giới. Các quyền đó phải bao gồm cả quyền đi bỏ phiếu bầu cử. Và cuối cùng, Tu chính hiến pháp số 19 đã được thông qua ngày 20 tháng 08 năm 1920, công bố quyền bầu cử không được từ chối bất kỳ ai chỉ vì giới tính.
Trích dẫn: “Toàn dân là chúng ta, chứ không phải là những công dân da trắng, cũng không phải những công dân nam giới. Chúng ta là toàn dân, là người gây dựng nên đất nước này,bảo vệ đất nước này, phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới.”
Diễn văn “Mười bốn Điểm
Tác giả: Tổng thống Woodrow Wilson
Thời gian: ngày 08 tháng 1 năm 1918
Bài phát biểu của Tổng thống Wilson tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ tham gia vào Thế chiến I là do các nguyên nhân về đạo đức. Trong bài phát biểu, ông đã đề xuất 14 điểm tập trung vào các nguyên tắc theo hơi hướng tự do chủ nghĩa. Các đề xuất của ông sau đó đã trở thành nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Trích dẫn: “Mọi dân tộc trên thế giới thực tế đều là các đối tác phục vụ lợi ích này, và về phần mình chúng ta hiểu rõ ràng rằng nếu không tạo ra được công lý cho người khác thì sẽ không thể có được công lý cho chính mình.”
Diễn văn nhậm chức lần thứ nhất
Tác giả: Tổng thống Franklin Delano Roosevelt
Thời gian: ngày 04 tháng 3 năm 1933
Khi một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ đang làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia này, Franklin Delano Roosevelt cho biết ông đang có ý định giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông đã thông báo ý định của mình với chính quyền và sử dụng các quyền hạn của chính phủ liên bang để giải quyết khủng hoảng. Trong bài phát biểu, Roosevelt tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh chống lại Đại khủng hoảng.
Trích dẫn: “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ hãi chính là nỗi sợ hãi.”
Chúng ta sẽ chiến đấu trên biển
Tác giả: Winston Churchill
Thời gian: ngày 04 tháng 6 năm 1940
Bài phát biểu đã truyền cảm hứng cho những người Anh và gây ấn tượng với người Mỹ bởi quyết tâm đối mặt với sự xâm lăng của nước Đức của Chính phủ Anh. Bài phát biểu được đưa ra sau khi quân đôi Anh đã lật ngược tình thế một cách đáng kinh ngạc khi rút khỏi Dunkrik thành công.
Trích dẫn: “Chúng ta sẽ đi tới kết thúc. Chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp, chiến đấu trên những bãi biển và đại dương bao la…Chúng ta sẽ chiến đấu để bảo vệ hòn đảo của chúng ta, bằng bất cứ giá nào, chúng ta sẽ chiến đấu trên các đường phố, trên các ngọn đồi, chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Dù đói rét, dù không có lòng tin, dù sắp mất hết tất cả, chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Hẹn hò với định mệnh
Tác giả: Jawaharlal Nehru
Thời gian: ngày 14 tháng 8 năm 1947
Trong Tuyên ngôn Độc lập của Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông đã ca ngợi tư tự do, nền độc lập của Ấn Độ sau hơn một thế kỷ bền bỉ chống lại ách thống trị của người Anh. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc nhở mọi người phải tỉnh vì trước mắt còn nhiều khó khăn như nguy cơ xung đột sắc tộc hay phân chia quyền lợi của các tiểu quốc.
Trích dẫn: “Một thời điểm đang đến, chỉ đến rất hiếm hoi trong lịch sử, khi chúng ta bước ra khỏi cái cũ để đến với cái mới, khi một thời đại kết thúc, và khi linh hồn của một quốc gia, từ lâu đã bị đàn áp, tìm được tiếng nói.”
“Chúng tôi chọn đi tới mặt trăng”
Tác giả: Tổng thống John F. Kennedy
Thời gian: ngày 12 tháng 9 năm 1962
“Chúng tôi chọn đi tới mặt trăng” là minh chứng thuyết phục nhất của Tổng thống John F. Kennedy về tầm quan trọng của việc khám phá chinh phục không gian và tài trợ cho Đề án Apollo. Ông Kennedy khẳng định rằng Hoa Kỳ cần phải có những nhà lãnh đạo trong việc thăm dò không gian, và đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên của lĩnh vực này khi được Tổng thống quan tâm đến.
Trích dẫn: “Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng và tiến hành những chương trình khác không phải vì đây là những việc dễ làm, nhưng bởi vì đây là những sứ mạng khó khăn…”
Tôi có một giấc mơ
Tác giả: Martin Luther King, JR.
Thời gian: ngày 28 tháng 8 năm 1963
Trong bài diễn văn, Luther King đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình cho một tương lai của nước Mỹ, tương lai mà ở đó, người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận. Cuộc tuần hành, cùng với bài diễn văn lay động này đã gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Kennedy, thúc đẩy việc thông qua đạo luật dân quyền tại Quốc hội Mỹ.
Trích dẫn: “Tôi có một giấc mơ sẽ có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, và mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được ban bằng, và chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và “sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng.”
Tôi sẵn sàng để chết đi
Tác giả: Nelson Mandela
Thời gian: ngày 20 tháng 4 năm 1964
Lời phát biểu này là của Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong phiên tòa tại tòa án Rivonia năm 1964, khi ông đối mặt với một án tử hình vì âm mưu lật đổ chính quyền.
Trích dẫn: “Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận, có những cơ hội bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.”
Hãy phá đổ bức tường này
Tác giả: Tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan
Thời gian: ngày 12 tháng 6 năm 1987
Trong bài diễn văn đọc tại Cổng Brandenburg cạnh Bức tường Berlin, Reagan đã thách thức Gorbachyov (lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô) hãy phá bỏ bức tường để biểu hiện sự ước muốn của Gorbachyov trong việc làm gia tăng sự tự do trong khối Xô Viết. Bài phát biểu của ông được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Trích dẫn: “Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét