Quả thật không thể coi thường sức mạnh của thế giới số trong thời đại hiện nay, đặc biệt là khi cuộc sống con người phần lớn phụ thuộc vào ứng dụng của khoa học và kỹ thuật; vốn có thể để lại hậu quả vô cùng lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều số phận.
Mỗi ngày đều diễn ra hàng tá những hành động xâm nhập bảo mật dữ liệu diễn ra trong bóng tối của thế giới ngầm mà chúng ta không hề hay biết, đặc biệt là những công ty cấp cao hoặc thuộc quyền điều hành của Chính phủ lại trở thành đối tượng phổ biến của giới tin tặc lộng hành bấy lâu nay.
Trong số đó, có những vụ việc nổi trội hơn hẳn số khác, xét trên cả quy mô lẫn sự cả gan, táo tợn của những thành phần hoạt động phi pháp. Thậm chí, đáng sợ hơn là chúng suýt nữa đã can thiệp và thao túng thành công cả một tổ chức hoặc diễn biến thế giới mạng máy tính truyền thông trên thế giới. Điển hình như vụ tấn công Stuxnet đã phá hủy những thành tựu máy ly tâm hạt nhân, hoặc những lần chúng giở trò tiết lộ email tuyệt mật gây ảnh hưởng đến cả chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Dưới đây là 9 sự kiện khét tiếng nhất trong lịch sử phát triển công nghệ của loài người được tổng hợp lại:
1. Cuộc chiến dữ dội do những thế lực đột nhập đánh cắp thông tin chủ mưu diễn ra tại Cộng hòa Estonia vào năm 2007 – một cuộc tấn công diễn ra suốt 21 ngày nhằm vào hệ thống mạng lưới và website được cho là có sức ảnh hưởng lớn từ phía Nga.
Vụ việc này đã được mệnh danh là “Chiến tranh Tin học lần thứ nhất”. Cụ thể, bấy giờ vào lúc 10 giờ sáng ngày 27/4/2007, Nội các Estonia nhận thấy rất nhiều website liên quan của mình gặp phải sự cố mất kết nối. Sau đó là những biểu hiện, động thái công khai của nhóm hacker nhằm xóa bỏ hoàn toàn những thông tin website của chính phủ, cơ quan và Nghị viện Quốc hội.
Một bộ phận chống phá khác thì chia sẻ những cách để tấn công vào dữ liệu của những cơ quan tài chính và truyền thông cục bộ của đất nước. Trong vòng 21 ngày, Estonia đã gồng mình chiến đấu với một cuộc chiến tranh diễn ra hoàn toàn trên mạng máy tính, bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đất nước này đã quyết định tháo dỡ tượng đài biểu tượng cho thời kỳ Soviet ra khỏi thủ đô.
Sau đó, Estonia đã gửi lời xin lỗi đến Chính phủ Nga vì đã để cuộc tấn công làm ảnh hưởng đế cơ sở dữ liệu, mặc dù có vẻ như những kẻ chủ mưu lại xuất phát ở chính những thành phần cực đoan nặc danh từ phía Nga. Trích lời nhận định từ Wired: “Chưa bao giờ thế giới chứng kiến cả một quốc gia trở thành mục tiêu của tin tặc, len lỏi trên khắp những khía cạnh mạng số hóa. Và thế giới cũng chưa bao giờ được tận mắt thấy tinh thần chống trả từ đích thân trực tiếp chính phủ và nội các của một nước như vậy.”
Cuộc tấn công đã không để lại hệ lụy nào quá lâu dài cho đất nước về sau, nhưng nó cũng cho thấy cách cả một quốc gia có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tin tặc như thế nào.
11 giờ đêm ngày 18/5/2007, mọi chuyện đã bước đầu được xử lý và khắc phục ổn thỏa, theo ghi chép của Adam Segal trong cuốn sách “The Hacked World Order” của mình.
Trích lời ông:
“Estonia đã lâm vào tình trạng hỗn loạn chỉ trong một thời gian ngắn, tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới thông tin toàn cầu, thế nhưng mạng Internet nội bộ trong nước vẫn có khả năng truy cập. Hậu quả để lại về mặt tinh thần khá lớn, đồng thời cũng chứng tỏ sự “yếu đuối” của mạng lưới thông tin Estonia.”
Cũng trong nhiều văn kiện được Segal đề cập đến sau này, Estonia đã thực hiện những nỗ lực đáng kể trong việc củng cố và đề phòng an ninh mạng trước những nguy cơ tấn công tương tự trong tương lai. Kết quả sau đó là sự ra đời của Liên minh Bảo mật Thông tin, góp phần cải thiện rất nhiều chất lượng quốc phòng an ninh mạng máy tính của quốc gia.
2. Nhiễm mã độc malware vào mạng lưới tuyệt mật của chính phủ Mỹ vào năm 2008, khiến cho Lầu Năm Góc phải lập ra một đơn vị tác chiến quân sự mới chỉ tập trung nghiên cứu và ngăn chặn lỗ hổng thông tin.
Mạng lưới Giao thức Internet Bảo mật (SPIRNet) – nơi quân đội Mỹ chia sẻ và lưu trữ những tài liệu và nội dung tuyệt mật – cùng Hệ thống Truyền thông Thông minh Toàn cầu (JWICS) với cùng mục đích, được thiết kế để hoạt động tách biệt riêng đối với mạng lưới Internet chung trên thế giới hiện nay.
Thế nhưng bấy nhiêu đó là không đủ để ngăn chăn một mã độc có tên Agent.btz len lỏi và “đục khoét” vào trong cả hai hệ thống bảo mật tuyệt đối trên vào năm 2008, thậm chí hàng loạt những tổ chức khác cũng bị ảnh hưởng chỉ vì một chiếc USB nhiễm độc… nhỏ bằng ngón tay cái.
May mắn thay, nhờ cấu tạo cô lập hoàn toàn với mạng lưới Internet thông thường nên những thông tin trong hai hệ thống tuyệt mật của Mỹ, dù bị đảo lộn và đánh cắp, vẫn không thể truyền đi ra bên ngoài để kẻ chủ mưu thực hiện dã tâm đen tối của mình. Dù sao chúng ta vẫn không thể biết chắc được lỡ đâu vẫn có những khe hở nhất định giúp chúng tuồn ra ngoài một số mảng dữ liệu.
Mã độc trên thật sự không quá tinh vi và khó khăn để khống chế, thế nhưng quân đội Mỹ lại vất vả trong vòng 14 tháng để loại bỏ hoàn toàn được mọi tung tích của nó trong một chiếc dịch mang tên Buckshot Yankee, đồng thời cấm hoàn toàn lưu hành nội bộ những ổ cứng USB tương tự.
Sau đó, vụ việc trên đã xúc tác nên quá trình thành lập một bộ phận mới của quân đội Mỹ – US Cyber Command – nhằm đối phó và ngăn chặn những trường hợp xấu trong tương lai.
“Đó là một bước tiến thúc đẩy hoàn toàn đúng đắn,” Gen. Keith Alexander – Giám đốc NSA bấy giờ phát biểu trên The Washington Post.
Cụ thể, được thành lập vào tháng 6 năm 2009 và cùng tọa lạc trên một mảnh đất với NSA tại Fort Meade, Cyber Command trở thành trung tâm quản lý và điều hành các chiến dịch an ninh mạng của Lầu Năm Góc, thống nhất mọi hoạt động bảo mật thông tin được phân nhánh dưới quyền. Ngoài ra, vụ việc này còn có những ảnh hưởng tích cực đến những nước khác, đóng vai trò như một lời kêu gọi thế giới hãy sẵn sàng hơn cho những nguy cơ tương tự về sau, đặc biệt Anh và Hàn Quốc là hai quốc gia đã nhanh chóng học tập và thích nghi theo xu hướng đó.
3. Chiến dịch Stuxnet do Mỹ và Israel tiến hành nhằm vào những nhà máy hạt nhân của Iran đã đánh dấu một mốc quan trọng đầu tiên trong lịch sử loài người khi có thể sử dụng vũ khí thông tin máy tính để phá hủy cơ sở hạ tầng thực tế.
Bấy giờ, vào năm 2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã bày tỏ nhiều mối quan tâm và lo ngại về những động thái liên tục của Iran trong nền công nghiệp phát triển và làm giàu uranium để tự sản xuất bom nguyên tử.
Thế nhưng quân đội Mỹ đang tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Iraq, do đó chỉ còn vài lựa chọn ít ỏi liên quan đến việc tổ chức những cuộc không kích nhỏ lẻ, hoặc lại chi viện nguồn lực để tiến hành thêm một cuộc chiến tranh Trung Đông nữa với sự trợ giúp của Israel. Cuối cùng, một phương án khác được đưa ra bởi những nhà chỉ huy quân sự: phát minh một vũ khí có thể cản trở và đập tan tham vọng của Iran, trong khi hoàn toàn không để lại một dấu vết gì cả.
Và vũ khí tin học đầu tiên trên thế giới đã ra đời, với tên hiệu “Olympic Games”, sau đó chuyển thành “Stuxnet”, đặt bởi các chuyên gia an ninh máy tính.
Lần đầu được thông qua bởi Tổng thống Bush và vẫn tiếp tục được tán thuận bởi Tổng thống Obama, kết cấu chương trình xâm nhập hệ thống này được thiết kế bởi Mỹ và Israel nhằm mục đích can thiệp và thao túng những cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran tain Natanz.
Nó đã hoạt động hiệu quả đến bất ngờ.
Mã độc trên đã dần nắm quyền kiểm soát và chiếm được hệ thống điều hành của toàn bộ cơ sở nhà máy chuyên môn của Iran. Sau khi hoàn toàn nắm thế chủ động, khoảng 13 ngày kể từ thời điểm được kích hoạt, nó đã liên tục tăng và giảm tốc độ của thiết bị ly tâm dẫn đến quá tải hệ thống và tự phát nổ, trong khi mọi màn hình máy tính theo dõi tiến trình vẫn không hiển thị điều gì bất thường.
Tuy nhiên, mã độc này không dừng lại ở đó, mà còn có những thời điểm tìm cách vượt ra khỏi quy mô cuộc tấn công, tiến ra xa hơn nữa vào mạng lưới thông tin trên thế giới. Với khả năng tự sao chép và nhân bản cùng thiết kế tinh vi, mạnh mẽ, phần lớn những máy tính trên toàn cầu đều bị nhiễm độc và không có khả năng phòng vệ, chống đỡ.
Sự việc trên đã khiến cho mục đích ban đầu của quân đội Mỹ – xóa sạch không còn dấu vết – tan thành mây khói. Thực tế, các nhà lãnh đạo Iran vẫn không hề nhận thức được mình bị tấn công bởi vũ khí tin học, cho rằng do sự cố và trình độ non kém của đội ngũ kỹ thuật hiện tại. Thế nhưng sự cố nhiễm độc toàn thế giới đã khiến các nhà khoa học máy tính hàng đầu phải vào cuộc, và cuối cùng cũng khiến chiến dịch trên để lộ tung tích.
“Chúng tôi chưa từng thấy thứ gì giống như vậy trước đây,” Liam O’Murchu, một giám đốc tại Symantec cho biết. “Và thậm chí cho tới tận bây giờ vẫn chưa có vụ việc nào sánh tầm được với nó cả.”
Dù sao thì đó mới chỉ là khởi đầu mà thôi. Mỹ vẫn còn một vũ khí tối mật nữa có khả năng hủy diệt còn hơn thế, với quy mô làm tê liệt toàn bộ cơ sở tinh chế hạt nhân của Iran mà không cần phải trực tiếp động tay đến thực địa.
Được biết đến với tên gọi Operation Nitro Zeus, kế hoạch tấn công tinh vi này của Mỹ còn giúp họ xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát của hệ thống phòng không của Iran, khiến cho mọi hoạt động ngăn chặn kẻ thù từ bên ngoài đều trở nên công cốc, thậm chí cả bộ phận chỉ huy và quản lý của Iran cũng bị nắm quyền, mọi phương pháp truyền tin đều bị vô hiệu hóa, cũng như mạng lưới điện, giao thông và thông tin tài chính.
“Viễn cảnh về thời kỳ chiến tranh công nghệ tin học đang dần trở thành sự thật. Nitro Zeus chính là hiện thân của nó,” trích nguồn phát biểu từ bộ phim “Zero Days”.
4. Tuy nhiên Iran cũng “không phải dạng vừa” khi thể hiện tiềm lực bằng hành động tương tự, xâm nhập vào hệ thống của công ty dầu khí Saudi Aramco vào năm 2012, được xếp tầm vụ hack lớn nhất lịch sử.
Xuất phát từ những thất bại ê chề trước Stuxnet là sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng tin tặc Iran. Cụ thể, không lâu sau khi những máy ly tâm bị phá hủy, Iran đã xây dựng và lập ra một đội ngũ hacker khét tiếng, được đầu tư và hỗ trợ bởi nguồn vốn ưu tiên cao cấp nhất từ chính phủ, lên đến 20 triệu USD.
Mặc dù nhóm hack trên cũng đáp trả phía Mỹ bằng một cuộc tấn công vào hệ thống tài chính quốc gia và kiểm soát hệ thống điều khiển của một con đập thuộc ngoại vi thành phố New York, nhưng thành tích nổi trội nhất của họ lại được ghi dấu vào năm 2012.
Tháng 8 năm đó, nhóm tin tặc đã thao túng toàn bộ công ty dầu khí quy mô quốc gia của Saudi Arabia – Saudi Aramco – và cho 35.000 máy tính trở thành một công cụ vô dụng. Thông qua một email đánh lừa để khai thác thông tin nhằm vào các nhân viên nhẹ dạ, chỉ vài giờ sau đó, công ty lớn mạnh tầm cỡ thế giới này đã bị cho đi ngược thời gian về với thời kỳ chỉ dùng máy đánh chữ và các biên bản viết tay, vì toàn bộ hệ thống máy móc của họ giờ chỉ còn là đống sắt vụn.
Chắc chắn là Mỹ cũng đã nhận thức rõ tình hình và đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết.
Cuộc tấn công trên cũng từng được đề cập trong các tài liệu của cựu nhân viên tình báo Snowden tiết lộ ra, cùng với sự chứng kiến của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA): “Iran hoàn toàn có khả năng ngang hàng đối với tiềm lực của các nước đối thủ.”
Và giờ đây, Iran hiện đang đứng thứ 4 thế giới xét trên khía cạnh quy mô xây dựng và đầu tư cho hoạt động quân sự thông tin, chỉ xếp sau Nga, Trung Quốc và Mỹ.
5. Không thể không kể đến vụ việc đã đi vào lịch sử khi sàn giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin lớn nhất thế giới bị hack vào năm 2013, với thiệt hại bị tẩu tán lên đến 460 triệu USD tiền mặt.
Vị thế và giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin đã trở nên lung lay và bất ổn định hơn bao giờ hết vào thời điểm công ty phát hành tiền ảo lớn nhất bị phá sản vào năm 2014. Lý do lớn nhất nằm sau sự sụp đổ của Mt. Gox – nắm giữ ¾ tổng số giao dịch Bitcoin – được cho là bắt nguồn từ hậu quả của một cuộc tấn công mạng đã giúp kẻ chủ mưu “nẫng tay trên” mất 850.000 đơn vị tiền ảo, tương đương 460 triệu USD lúc bấy giờ (568 triệu USD hiện tại).
Theo như công bố trên Stanford Review, những khách hàng đã bày tỏ đầy những phản ứng phẫn nộ trước việc toàn bộ vốn đầu tư và tiền dành dụm tiết kiệm của họ cũng không cánh mà bay vào túi kẻ cướp. Còn xét trên tổng thể toàn thị trường Bitcoin, tin buồn của Mt. Gox cũng báo trước về một tương lai ảm đạm, đen tối.
Cuối cùng, mọi việc hóa ra không cực đoan như dự đoán. Bitcoin không hoàn toàn bị lâm vào vũng lầy không đáy, nhưng để vực dậy như thời hoàng kim vào năm 2013 thì là cả một thách thức trước mắt.
Đỉnh điểm vào năm 2013 là 200 USD/đồng Bitcoin vào đầu tháng 11, sau đó cuối tháng đã tăng vọt lên đến 1.000 USD/đồng. Tất nhiên giá trị đã tụt dốc không phanh kể từ khi Mt. Gox phá sản vào tháng 2 năm 2014.
Khá tích cực là Bitcoin đang dần “lấy lại phong độ” khi giá trị hiện thời đã được khôi phục lên mức 660 USD.
6. Sau khi hãng công nghệ Sony trở thành nạn nhân của một vụ tấn công táo tợn với quy mô lớn vào năm 2014, Mỹ đã thẳng tay chỉ trích Bắc Triều Tiên – lần đầu tiên quốc gia này trực tiếp lên án công khai nước khác cho tội danh liên quan.
Sự kiện tấn công nhằm vào Sony Entertainment nổi tiếng thế giới vì diễn biến cũng như hậu quả mà nó để lại theo sau.
Cụ thể, hàng ngàn email riêng tư đã được tiết lộ ra bên ngoài, thêm cả số an sinh xã hội, các đoạn băng không được duyệt công bố, và cuối cùng là xóa sạch đến một nửa mạng lưới dữ liệu của công ty. Bộ phim “The Interview” được rút lại khỏi hợp đồng đối với các rạp phim, và cả vụ việc chủ tịch Amy Pascal từ chức gây nhiều tranh cãi cũng được đưa ra công khai.
Giữa những làn sóng dư luận, Tổng thống Mỹ đã đưa ra lời tuyên bố bất ngờ vào cuối năm 2014 trong một cuộc họp báo, lên tiếng quy đổ trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên. Theo The Washington Post, đây là lần đầu tiên Mỹ đích thân chỉ trích một quốc gia khác trước tội danh tấn công thông tin.
Vụ việc vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.
Cả FBI lẫn Tổng thống Obama đã đưa ra những bằng chứng cụ thể và chi tiết cho động thái chỉ trích Triều Tiên của mình, đặc biệt là Bình Nhưỡng dẫn đến việc cộng đồng an ninh mạng ngày càng trở nên hoài nghi lẫn nhau, kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Chắc chắn rằng Bắc Triều Tiên đã thẳng thừng bác bỏ trách nhiệm gán cho mình rồi.
7. Một vụ xâm nhập trái phép động trời liên quan đến thông tin lưu trữ của Cục Quản lý Nhân sự vào năm 2015 đã làm lộ ra gần 21 triệu ghi chép về hồ sơ của nhiều tên tuổi lớn từ năm 1985 đến nay.
Katherine Archuleta – Giám đốc Cục Quản lý Nhân sự
Trước khi được chấp thuận và cấp phép bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao, có quyền truy cập vào những tài liệu tuyệt mật, thì những ứng viên đó sẽ phải trải qua một cuộc điều tra lai lịch, hoàn cảnh và điền vào đơn SF-86.
Trong mẫu đơn trên, họ phải cung cấp những thông tin riêng tư như nơi ở hiện tại, các thành viên trong gia đình, đối tác từng làm ăn, những nơi từng du lịch đến và cả dấu vân tay. Để rồi đến tháng 6 năm 2015, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm lưu trữ toàn bộ những thông tin đó đã bất ngờ bị tin tặc tấn công.
Các quan chức Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến danh tính của gần 22 triệu người. Bên cạnh những hệ lụy còn đang chồng chất chờ được giải quyết triệt để, Giám đốc Cục Quản lý Nhân sự cũng đã bị sa thải một thời gian sau đó.
8. 25 GB dữ liệu bị đánh cắp từ website cung cấp dịch vụ ngoại tình Ashley Madison đã được tung ra công khai vào năm 2015, khiến cho nhiều cặp vợ chồng tan vỡ, đổ nát hoặc thậm chí có ý định tự tử.
Trường hợp trên đã để lại nhiều hậu quả đáng sợ cho những cá nhân liên quan. Cụ thể, tháng 7 năm 2015, nhóm hacker tự xưng “The Impact Team” đã đột nhập vào nền tảng server của Avid Life Media – chủ sở hữu website này – và lấy đi rất nhiều file dữ liệu, bao gồm trong đó có thông tin người dùng, email nội bộ, và thậm chí cả bản đồ định vị vị trí của thành viên tham gia. Sau đó, chúng yêu cầu công ty phải dỡ bỏ website mãi mãi, hoặc những thông tin trên sẽ được tiết lộ công khai ra bên ngoài.
Câu trả lời rất tiếc là “không”. Do đó, nhóm tin tặc cũng không còn lý do gì để nương tay hơn nữa, nói là làm. Cuối cùng, lời cảnh cáo của nhóm tin tặc trên rằng “công ty sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cũng như tổn thất nặng nề” hóa ra lại trở thành một sự thật, một cơn ác mộng với chính đội ngũ quản lý website và cả những thành viên tham gia trong đó.
Những hệ quả nghiêm trọng đã xảy ra: tống tiền, đả kích công khai, và cả tự tử nữa.
Số lượng thông tin cá nhân về địa chỉ email, số điện thoại, thẻ tín dụng và nhiều góc độ khác nữa đã được liệt kê trực tiếp trên Internet. Các phóng viên đã tiếp cận và nghe được những chia sẻ từ một số nạn nhân:
“Cuộc hôn nhân của tôi sẽ tan vỡ mất,” Tom, sống tại Kentucky, cho biết trong câu trả lời với Fusion.
Những kẻ bất lương, tội phạm thông tin khác thì lại coi đây là mỏ vàng khai thác bằng cách lợi dụng để tống tiền nạn nhân. Đối với một số địa chỉ email nhất định được nhắm đến, chúng sẽ yêu cầu chủ tài khoản trao đổi tiền Bitcoin để đổi lại là danh tính được giữ bí mật với người thân xung quanh mình.
Đã có hai trường hợp chưa được xác minh về việc tự tử sau khi vụ phát tán thông tin trên diễn ra. Thậm chí cả những người ngoài cuộc vô tội cũng bị vạ lây, vì thành viên khi đăng ký tài khoản đều có thể sử dụng bất kỳ tên miền và địa chỉ email nào. Theo thống kê, nực cười là có đến ít nhất 16 tên thành viên dùng email liên quan đến thông tin của… Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, Avid Life Media chịu tổn thất nặng nề nhất với hàng loạt dữ liệu bị đánh cắp, các vụ kiện tụng liên tục nổi lên và cả lá đơn từ chức của CEO hiện hành. Tuy nhiên, công ty vẫn không hoàn toàn sụp đổ, thay vào đó họ đang cố gắng tái khởi động và thành lập nên cơ chế điều hành mới.
9. Hacker khét tiếng “Guccifer” tình vờ để lộ thông tin về email của bà Hillary Clinton khi còn ngồi trên ghế Bộ trưởng vào năm 2013 – và cuối cùng đã khiến bà trả giá bằng cả cơ hội ứng cử của mình.
Giám đốc FBI mới đây có nhắc đến hành động của bà Hillary Clinton là “hết sức bất cẩn” vì sử dụng địa chỉ email riêng thay vì thiết lập trên hệ thống bảo mật của chính phủ.
Điều này cũng vô tình đề cập đến sự kiện chính trị gây nhiều tranh cãi và để lại nhiều hệ quả tiêu cực cho những ứng viên chức Tổng thống của Đảng Dân chủ, chỉ vì một lần can thiệp của cái tên “Guccifer”.
Sau khi hacker người Romania đã thâm nhập thành công vào địa chỉ email của người thân cận Sydney Blumenthal, anh đã phát hiện ra và chụp lại những liên hệ với một địa chỉ có tên hdr22@clintonemail.com. Hóa ra đó chính là tài khoản bí mật của bà Clinton, để rồi sau này đã trở thành một sai lầm ảnh hưởng tới cả chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình.
Ưu thế của Hillary Clinton trước đối thủ phía Đảng Cộng hòa là rất lớn, nhưng đã tụt dốc không phanh khi sự việc trên lộ ra.
Chỉ vài tháng trước, trước khi FBI đưa ra những lời nhận định của mình, bà Clinton đang nắm giữ vị trí khá ổn định trên bảng xếp hạng, theo thống kê của The Los Angeles Times. Nhưng hiện tại, các ứng viên đang đuổi theo sát nút nhau. Donald Trump chỉ kém hơn so với 3 điểm trên thang trung bình của RealClearPolitics.
Tham khảo: TechInsider